Gigabyte RX 6600 Eagle – Trong vài năm trở lại đây, sau cơn khan hiếm nguồn cung do dịch bệnh và cơn sốt tiền ảo đẩy giá các dòng card đồ hoạ có mặt trên lên cao ngất ngưởng, vượt ra khỏi tầm tay với của hầu hết các game thủ, những sản phẩm mới ra mắt lại tiếp tục thiết lập một mặt bằng giá hoàn toàn mới.
Mặt bằng mới này thậm chí khiến cho các mẫu card đồ hoạ tầm trung chạm “ngưỡng tâm lý” 10 triệu đồng của hầu hết các game thủ. Chính vì lẽ đó mà nhiều người dùng có cảm giác “chùn tay”, không dám xuống tiền để tậu cho mình một dàn máy chơi game tầm trung như giai đoạn trước dịch.
Tuy nhiên, nếu lui lại một bước nhỏ, bạn có thể lựa chọn những mẫu card đồ hoạ tầm trung thế hệ cũ với mức giá được giảm xuống ngày càng rẻ, đơn cử như mẫu card đồ hoạ Gigabyte RX 6600 Eagle chỉ có mức giá vào khoảng 5.6 triệu đồng mà thôi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu rằng với một phiên bản card đồ hoạ tầm trung của thế hệ trước, bạn có thể chơi được các tựa game hàng đầu của năm nay hay không?
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
GIGABYTE RX 6600 EAGLE – HOẠT ĐỘNG ÊM ÁI, MẠNH MẼ!
Phải nói rằng phiên bản card đồ hoạ tầm trung AMD RX 6600 chắc chắn không phải là sản phẩm xa lạ với bạn đọc của Vietgame.asia, thế nên trong bài viết này, người viết tập trung đánh giá chất lượng chế tạo cũng như khả năng vận hành của Gigabyte RX 6600 Eagle với các tựa game mới ra mắt trên thị trường gần đây.
Về tổng thể, dòng sản phẩm Eagle của Gigabyte có thể xem như một phiên bản đơn giản nhất trong cách phân cấp sản phẩm của hãng này, đứng đằng sau các mẫu card đồ hoạ dòng AORUS và Gaming OC, vì vậy mẫu card đồ hoạ này sở hữu thiết kế khá cơ bản với không có bất kỳ đèn LED RGB nào hay bộ tản nhiệt cũng ở mức tầm trung.
Mặc dù vậy, hãng vẫn trang bị cho mẫu card đồ hoạ này những trang bị thường chỉ bắt gặp trên các phiên bản cao cấp một vài năm trước như giáp lưng kim loại để nâng đỡ cho bảng mạch, bộ tản nhiệt Windforce 3X xoay chiều theo hướng ngược nhau giúp giảm nhiễu động khí giữa các quạt và tăng cường hiệu quả tản nhiệt.
Trên thực tế, thiết kế này tỏ ra vô cùng hiệu quả để duy trì nhiệt độ cho mẫu card đồ hoạ dòng Eagle ở mức khá thấp, chỉ 65 độ C khi thử nghiệm với trình chấm điểm Furmark mà thôi.
Không những thế, do giảm thiểu nhiễu động không khí mà Gigabyte RX 6600 Eagle có thể hoạt động vô cùng tĩnh lặng, không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào dù ở điều kiện vận hành yên tĩnh nhất.
Thử nghiệm trên thực tế, có thể thấy mẫu card đồ hoạ của Gigabyte hoạt động hoàn toàn ở mức xung tiêu chuẩn của AMD đặt ra với 2044MHz hoạt động ở chế độ gaming và 2491MHz ở chế độ boost.
Do đó, mẫu card đồ hoạ này có thể đem lại sức mạnh tiêu chuẩn, bạn có thể tham khảo thêm đánh giá mẫu card đồ hoạ RX 6600 khác tại đây để biết thêm sức mạnh của mẫu card đồ hoạ này với các tựa game phổ biến.
Với trình điều khiển mới đã được tối ưu sau hai năm, mẫu card đồ hoạ này đem lại mức chấm điểm 22,901 cho phép thử 3DMark FireStrike, và 7,727 điểm cho phép thử 3DMark TimeSpy, trong khi đó phép thử dựng hình với công nghệ Ray Tracing 3DMark Port Royal chỉ đem lại 3,948 điểm, chỉ nhỉnh hơn đôi chút với NVIDIA RTX 2060 của thế hệ đầu tiên.
Với tựa game nặng về đồ hoạ như Assassin’s Creed Mirage mới vừa ra mắt, Gigabyte RX 6600 Eagle vẫn có thể xuất sắc đạt tốc độ khung hình trung bình 70fps, và tốc độ xấp xỉ 60fps với tựa game chiến thuật Total War: PHARAOH ở độ phân giải 1080p. Cả hai đều được thử nghiệm với mức thiết lập cao nhất.
Một lựa chọn duy nhất có vẻ “khó nhằn” trong các tựa game ra mắt gần đây có thể kể đến Starfield khi bạn chỉ có thể đạt tốc độ trung bình 31fps với thiết lập Ultra ở độ phân giải 1080p.
Để đạt được tốc độ thoải mái hơn, bạn có thể hạ thiết lập chất lượng xuống mức High, hay sử dụng thêm công nghệ AMD FidelityFX Super Resolution để tăng tốc độ xử lý.
Về tổng thể, Gigabyte RX 6600 Eagle vẫn là lựa chọn phù hợp túi tiền cho bạn chơi game trong thời điểm hiện nay với mức thiết lập cao nhất ở độ phân giải 1080p cho tất cả các tựa game.
BẠN SẼ GHÉT
GIGABYTE RX 6600 EAGLE – KHÔNG CÓ NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN CÂN NHẮC!
Nếu xét về mức giá khi ra mắt, Gigabyte RX 6600 Eagle nói riêng và dòng card đồ hoạ RX 6600 có rất nhiều điều đáng phải quan tâm, thế nhưng ở mức giá tương đối thấp như hiện tại, những vấn đề này đều có thể chấp nhận được trong một chừng mực nhất định.
Chẳng hạn như card không được ép xung sẵn như nhiều phiên bản khác trên thị trường, hay khả năng ép xung cũng không thật sự xuất sắc dù tản nhiệt tương đối dễ “gánh” cho các mức nhiệt cao hơn.
Hay như sức mạnh với công nghệ dựng hình Ray Tracing khá kém, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng chất lượng đồ hoạ của các tựa game hiện đại, đặc biệt là những tựa game “nhồi nhét” nhiều công nghệ này như Metro Exodus hay Cyberpunk 2077: Phantom Liberty.
Mặc dù vậy, những vấn đề này hoàn toàn có thể chấp nhận được và không gây quá khó chịu cho phần lớn các game thủ.
Gigabyte RX 6600 Eagle vẫn là ông vua phân khúc tầm phổ thông khi đủ sức cân tất cả các tựa game mới ở độ phân giải 1080p và thiết lập cao nhất