wowtech.vn wowtech.vn

©2021 wowtech.vn. All rights reserved

Đánh giá Lenovo LOQ 15APH9 phiên bản Ryzen™ 7 8845HS + RTX 4060: Quá mát so với sức mạnh

Lenovo LOQ 15APH9 phiên bản Ryzen™ 7 8845HS + RTX 4060 là một trong những mẫu laptop gaming hứa hẹn sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian tới nhờ hiệu năng tốt, thiết kế bắt mắt và mức giá cực kỳ hợp lý.

Với mức giá tham khảo trên thị trường khoảng 33 triệu đồng, Lenovo LOQ 15APH9 nổi bật trước hàng loạt đối thủ cùng trang bị RTX 4060 nhờ bộ xử lý cực kỳ mạnh mẽ và có khả năng hoạt động vô cùng mát mẻ, ổn định. Chúng ta hãy cùng đi vào đánh giá chi tiết chiếc laptop này nhé.

Cấu hình Lenovo LOQ 15APH9 83DX0085VN

  • CPU: AMD Ryzen™ 7 8845HS, 8 nhân 16 luồng, up to 5.1GHz, TSMC 4nm FinFET, kiến trúc Zen 4, tích hợp nhân xử lý Ryzen™ AI chuyên dụng
  • GPU tích hợp: AMD Radeon™ 780M 12 nhân (RDNA 3)
  • GPU rời: RTX 4060 8GB 115W
  • RAM: 1x 16GB SO-DIMM DDR5-5600 (2x SO-DIMM socket)
  • SSD: 512GB SSD Gen4 NVMe 
  • Màn hình: 15.6 inch, 1920x1080 pixel, 100% sRGB, 144Hz, G-SYNC
  • Cổng kết nối: 3x USB, 1x USB-C 3.2 Gen 2 (hỗ trợ DP 1.4a, Lenovo PD 140W), 1x HDMI 2.1, 1x 3.5mm, 1x RJ-45
  • Pin: Cell 60WHr, adapter 230W
  • OS: Windows 11 Home SL
  • Trọng lượng: 2.38 kg

Giới thiệu lại một chút về bộ xử lý AMD Ryzen™ 7 8845HS, đây là một bản nâng cấp nhẹ từ Ryzen™ 7 7840HS thế hệ trước nhưng với hiệu năng thực tế mình thử nghiệm tăng khoảng 10% và là quá đủ cho các nhu cầu chơi game, sử dụng hàng ngày. Con chip này vẫn được tích hợp đồ họa Radeon 780M và sản xuất trên tiến trình 4nm. Một nâng cấp khác của Ryzen™ 7 8845HS là nhân xử lý AI (NPU hay được gọi là Ryzen™ AI) được nâng cấp với sức mạnh 16 TOPS, tăng từ 10 TOPS trên thế hệ trước.

Bên cạnh đó, Lenovo LOQ cũng được một con chip xử lý AI riêng của Lenovo được đặt tên là LA1 giúp quản lý hiệu suất hệ thống một cách hiệu quả hơn.

Tất nhiên không thể không kể đến GPU rời RTX 4060 8GB cho hiệu năng rất tốt, đáp ứng tốt mọi tựa game ở độ phân giải Full HD. Cấu hình này cũng cực kỳ lý tưởng cho các tác vụ media, chạy được nhiều tác vụ AI trên thiết bị.

Một điểm đáng chú ý khác về cấu hình của Lenovo LOQ 15APH9 83DX0085VN đó là RAM. Được trang bị sẵn 16GB nhưng Lenovo chỉ sử dụng một thanh RAM duy nhất. Ưu điểm đó là việc nâng cấp lên 32GB sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều nhưng nhược điểm là hiệu năng sẽ bị ảnh hưởng đôi chút so với việc sử dụng hai thanh 8GB. Tuy nhiên với cấu hình Ryzen™ 7 8845HS + RTX 4060 thì theo mình trước sau gì bạn cũng nên nâng cấp lên 32GB để tận dụng tốt nhất sức mạnh của chiếc máy tính này nên việc sử dụng 1 thanh RAM trong trường hợp này là cực kỳ hợp lý.

Thiết kế Lenovo LOQ 15APH9

Về tổng thể Lenovo LOQ 15APH9 giống với hầu hết các phiên bản LOQ khác và cũng thường hưởng toàn bộ ngoại hình từ mẫu laptop gaming quốc dân Legion 5. Thực sự thì với cá nhân mình thiết kế này chẳng còn gì để chê trên một chiếc laptop gaming hiệu năng cao. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta buộc phải đánh đổi về kích thước và cân nặng nhưng sự đánh đổi này cực kỳ xứng đáng, chi tiết chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần hiệu năng và nhiệt độ.

Tất nhiên về độ hoàn thiện, độ cứng cáp, chắc chắn thì vẫn không thể sánh với các mẫu Legion 5 gần đây vì LOQ được định vị ở phân khúc thấp hơn nhưng vẫn đủ chắc chắn, ổn định để sử dụng thoải mái. 

Hầu hết các cổng kết nối của Lenovo LOQ 15APH9 cũng được dồn ra phía sau, đặc biệt là ở bên trái chúng ta không có bất kỳ cổng kết nối nào. Ở bên phải chúng ta sẽ có một cổng USB-C, một USB-A, jack 3.5mm và một công tắc vật lý để tắt camera đảm bảo tính riêng tư. Lenovo cũng đã tối ưu lại hệ thống tản nhiệt để toàn bộ hơi nóng thổi ra phía sau, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm.

Hiệu năng - tản nhiệt

Nhắc lại một chút về cấu hình, Lenovo LOQ 15APH9 được trang bị con chip AMD Ryzen™ 7 8845HS, 16GB RAM DDR5 5600MHz và RTX 4060 8GB 115W.

Như thường lệ, mình sẽ thử nghiệm hiệu năng CPU bằng Cinebench R23 với ba trường hợp gồm: Chế độ hiệu suất cao nhất (bật trong cả Windows lẫn Lenovo Vantage) và cấp nguồn, chế độ tự động khi không cấp nguồn và cuối cùng là chế độ tiết kiệm năng lượng trên Windows. 

Đầu tiên ở chế độ hiệu suất cao nhất, AMD Ryzen™ 7 8845HS có thể ăn tới gần 92W và duy trì khá ổn định ở ngưỡng ~87 - 90W, HWiNFO64 không báo quá nhiệt và lúc này điểm đơn nhân nhận được là hơn 1700 điểm và điểm đa nhân là hơn 17300 điểm, một số điểm rất cao trên một con chip 8 nhân.

Với cùng điều kiện, mình cũng có test với Cinebench R24, Ryzen™ 7 8845HS ghi được 100 điểm đơn nhân và 853 điểm đa nhân, cũng là một số điểm cao trên laptop.

Nhưng điều khiến mình ấn tượng nhất phải kể đến là khi không cấp nguồn, TDP chỉ 40W nhưng Ryzen™ 7 8845HS vẫn đạt được 13850 điểm đa nhân, đây là số điểm gần bằng Ryzen 7 6800H hay Intel Core i5-13500H chạy ở 70 - 90W. Kết quả này khiến mình cực kỳ mong đợi vào AMD Ryzen™ AI 300 series vừa ra mắt với kiến trúc Zen 5 mới ra mắt gần đây.

Và ngay cả khi đặt ở chế độ tiết kiệm năng lượng, TDP chỉ 17W thì số điểm đa nhân nhận được vẫn là 8770 điểm, hiệu năng này đâu đó gần bằng Ryzen 7 1700X cho máy tính để bàn. Điều đó cũng có nghĩa là AMD đã đạt được cùng mức hiệu năng của 7 năm trước với chỉ 1/7 - 1/8 năng lượng tiêu thụ. So sánh với thế hệ trước, Ryzen™ 7 7840HS đạt được số điểm thấp hơn một chút với 20W, như vậy mặc dù không thay đổi tiến trình sản xuất hay kiến trúc CPU nhưng AMD vẫn cải thiện đáng kể hiệu quả năng lượng. 

Dưới đây là một số bài benchmark khác:

3DMark Time Spy

Và đây là nhiệt độ cao nhất khi chạy 3DMark Time Spy, quá ấn tượng

Geekbench 5

Điểm OpenCL của đồ họa tích hợp Radeon™ 780M, nếu trang bị 2 thanh RAM còn cao hơn nữa

Được trang bị SSD PCIe Gen4 NVMe, tốc độ ổ cứng khá cao

Về trải nghiệm chơi game thực tế, RTX 4060 8GB thừa sức cân mượt PUBG ở thiết lập Ultra, độ phân giải Full HD, fps cho ra ổn định ở trên dưới 100 hoàn toàn mượt mà, máy cực kỳ mát mẻ vì chỉ sử dụng đâu đó 50 - 70% GPU còn CPU chỉ loanh quanh 10%.

Benchmark với Shadow of the Tomb Raider ở thiết lập đồ họa cao, fps trung bình đạt 114 fps.

Shadow of the Tomb Raider cho mức fps khá cao

Khi chơi game, TGP cao nhất mình thấy là khoảng 110W nhưng hiếm khi đạt mức này, thường chỉ loanh quanh 90 - 105W và nhiệt độ chưa từng vượt qua mức 80 độ, nhiệt độ trung bình chỉ loanh quanh vùng 70 độ, quá ổn áp cho một chiếc laptop gaming hiệu năng cao. Đến đây thì bạn đã thấy sự đánh đổi một chút về kích thước và cân nặng là quá xứng đáng đúng không nào.

Thử nghiệm với một số phần mềm khác trong bộ Adobe, cấu hình này đáp ứng tốt các tác vụ chỉnh ảnh, edit video, làm hiệu ứng… Và chắc chắn là 16GB RAM thì không thể làm cho CPU và GPU phát huy được hết sức mạnh khi chạy những phần mềm này. Nếu bạn nào muốn sử dụng Lenovo LOQ 15APH9 để chạy các tác vụ nặng thì nên cân nhắc nâng cấp lên 32GB RAM ngay khi mua để tận dụng được nhiều khuyến mãi từ cửa hàng.

Thời lượng pin

Để đánh giá thời lượng lượng pin một chiếc laptop gaming mình luôn bật tiết kiệm năng lượng, lúc này GPU rời gần như không hoạt động. Ở chế độ này CPU chỉ sử dụng tối đa 17W.

Với trải nghiệm làm việc thực tế, viên pin 60Wh có thể trụ được khoảng 5 - 6h nếu chỉ duyệt web và làm việc nhẹ nhàng. Đây là một con số quá tốt đối với một chiếc laptop gaming có dung lượng pin tương đối khiêm tốn.

Tổng kết

Với hiệu năng mạnh mẽ, hoạt động mát mẻ tối ưu và mức giá hợp lý, Lenovo LOQ 15APH9 chắc chắn là một chiếc laptop gaming cực kỳ đáng mua với những ai đang tìm kiếm trải nghiệm gaming max setting mà không lo các vấn đề quá nhiệt. Với màn hình 100% sRGB, người dùng cũng có thể tận dụng để làm các tác vụ về đồ họa, dựng phim nếu yêu cầu về độ chính xác màu sắc chỉ ở mức vừa phải.