Đánh giá ASUS Vivobook S14 M5406: Điểm nhấn AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 quá nổi bật, mạnh, mượt và rất mát!
Việc mang trong mình vi xử lý AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của Asus cho dòng vivobook của mình trong năm nay.
Thời gian qua, dòng vi xử lý của nhà AMD với tên gọi Ryzen™ AI 9 HX 370 đã làm mưa làm gió trên thị trường laptop bởi hiệu suất quá mạnh mẽ, vượt xa nhiều đối thủ trong phân khúc. Rất nhanh chóng, Asus là một trong những hãng đầu tiên sử dụng vi xử lý này với một dòng sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung - phổ thông như Vivobook S14 M5406.
Cấu hình của ASUS Vivobook S14 M5406:
Đầu tiên chúng ta sẽ điểm qua về thông số cấu hình của chiếc Vivobook S14 được sử dụng trong bài viết này.
- CPU: AMD Ryzen AI 9 HX 370 12 nhân 24 luồng
- GPU tích hợp: Radeon 890M
- NPU: 50 TOPS
- Màn hình: 14 inch 3K 120Hz tỉ lệ 16:10 (2880 x 1800), Lumina OLED, 600nits, 100% DCI-P3, đạt chuẩn PANTONE
- RAM: 32GB LPDDR5X on board
- SSD: 1TB
- Cổng kết nối:
- 1x USB 3.2 Gen 1 Type-C hỗ trợ hiển thị / cấp nguồn
- 2x USB 3.2 Gen 1 Type-A
- 1x USB 4.0 Gen 3 Type-C hỗ trợ hiển thị / cấp nguồn
- 1x HDMI 2.1 TMDS
- 1x Giắc âm thanh kết hợp 3,5 mm
- Đầu đọc thẻ Micro SD
- Pin, adapter: 75WHrs, 4-cell Li-ion, nguồn 90W
- Trọng lượng: 1.30 kg
- Kích thước: 31.05 x 22.19 x 1.39 ~ 1.59 cm
- Hệ điều hành: Windows 11 Home
Thiết kế và màn hình
ASUS Vivobook S14 M5406 sở hữu vẻ ngoài không mấy khác biệt so với phiên bản ra mắt hồi tháng 5 chạy vi xử lý Intel. Máy rất nhỏ gọn, đẹp, tinh tế. Phiên bản màu bạc mình được trải nghiệm lại càng làm tôn thêm vẻ đẹp của máy.
Tổng thể máy gọn gàng với trọng lượng chỉ 1.3 kg nên người dùng có thể thoải mái mang máy đi theo để học tập, làm việc ngoài quán cà phê dễ dàng.
Một điểm trừ nhẹ là với mức giá bỏ ra 30 triệu nhưng người dùng vẫn chỉ sử dụng một chiếc laptop với vỏ nhựa. Đây là một điểm khiến mình cảm thấy hơi tiếc khi đã có cấu hình mạnh nhưng thiết kế chưa tương xứng.
Về cổng kết nối, chiếc máy này được trang bị đầy đủ cổng USB-A, Thunderbolt 4 và HDMI, đáp ứng hầu hết các nhu cầu sử dụng của người dùng.
Màn hình của Vivobook S14 M5406 phải nói là rất tuyệt vời. Độ phân giải 3K, tần số quét 120Hz cùng tầm nền OLED là điều kiện lý tưởng cho mọi tác vụ từ làm việc, giải trí, multimedia,...
Bàn phím của máy cũng góp phần tạo nên sự hoàn hảo cho trải nghiệm của người dùng. Cách bố trí phím hợp lý, hành trình phím dài nên khi gõ văn bản trong thời gian dài không mang tới cảm giác mỏi tay. Thêm nữa, người dùng còn có thêm đèn nền bàn phím RGB khá độc đáo trên dòng Vivobook, tạo nên trải nghiệm mới lạ.
Hiệu năng
ASUS Vivobook S14 M5406 được trang bị bộ xử lý AMD Ryzen AI 9 HX 370 12 nhân 24 luồng mới nhất với kiến trúc Zen 5 hoàn toàn mới. Đi kèm với CPU mạnh mẽ là đồ họa tích hợp AMD Radeon 890M có khả năng xử lý đồ họa cũng rất ấn tượng.
Thực hiện bài test Cinebench R23 để kiểm tra hiệu suất CPU. Với bài test thông thường, khi cấp nguồn đầy đủ và bật chế độ hiệu suất cao nhất, điểm số cho ra cực kỳ ấn tượng.
Cụ thể, máy đạt tới 18,361 điểm đơn nhân và 1,956 điểm đa nhân.
Để so sánh với phiên bản Asus Vivobook chạy Core Ultra 5 với chỉ hơn 12 nghìn điểm đơn nhân và 1,633 điểm đa nhân thì sự khác biệt là khá lớn.
Điểm số này thậm chí còn vượt qua cả Core Ultra 9 trên ROG Zephyrus G16 2024 khi chiếc máy này đạt được tầm 17 nghìn điểm đa nhân và gần 1800 điểm đơn nhân.
Trong quá trình test, mức TDP của AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 đạt tới 45W.
Kể cả khi không cấp nguồn, điểm số mà vi xử lý này cho ra vẫn rất ấn tượng. Ở đây, mình test máy ở chế độ Balanced, không cấp nguồn. Điểm số cho ra vẫn rất ấn tượng, điểm đa nhân chỉ thua tầm 100 điểm so với khi cấp nguồn, điểm số đơn nhân thì thua thiệt đâu đó tầm 500 điểm.
Thử chạy bài test trong 10 phút để kiểm tra độ ổn định, điểm số cũng không hề chênh lệch quá nhiều khi vẫn đạt gần 17K điểm đa nhân và khoảng 1900 điểm đơn nhân.
Như vậy, có thể nói điểm số của AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 rất cao, vượt quá đối thủ trong phân khúc. Hơn nữa, máy còn rất ổn định khi sử dụng liên tục và cả khi không cấp nguồn, máy vẫn có thể duy trì hiệu suất cao nếu cần thiết.
Hơn nữa, thời lượng pin của máy cũng rất ấn tượng, dù chạy bài test khi không cấp nguồn trong khoảng 30 phút với hiệu suất cao nhưng máy chỉ tiêu hao tầm 6% pin.
Dưới đây là một số bài benchmark khác:
Trong trải nghiệm chơi game, dù là laptop văn phòng nhưng với AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 có hiệu suất mạnh mẽ cùng khả năng xử lý đồ họa tốt nên máy vẫn có thể chơi tốt một số tựa game mà không cần đến đồ họa rời.
Thậm chí, tựa game đang siêu hot là Black Myth: Wukong vẫn có thể chơi được trên chiếc máy này với mức FPS 69 ở thiết lập đồ họa thấp.
Xử lý AI: Phần cứng sẵn sàng chỉ chờ phần mềm
Được trang bị lên tới 50TOPS NPU nên khả năng xử lý các tác vụ AI của AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 cũng như Vivobook S14 M5406 được tăng cường lên rất nhiều.
Tuy nhiên, ở thời điểm này thì các tính năng AI xử lý bằng NPU chuyên dụng còn khá ít, chỉ loanh quanh ở Live Caption hay Studio Effect. Mà những tính năng này thường ít được sử dụng, Live Caption thì cũng chưa hỗ trợ tiếng Việt.
Bởi vậy nên đa phần tác vụ AI mà mình hay sử dụng như Midjourney, Copilot hay ChatGPT đều thực hiện bằng Cloud AI là chính.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm cộng khi trong tương lai gần, những tính năng AI trên máy bắt đầu phổ cập thì 50 TOPS này sẽ phát huy tác dụng.
Thời lượng pin ấn tượng
Sở hữu trọng lượng chỉ 1.3kg nhưng được trang bị viên pin lên tới 75WHrs cùng màn hình chỉ là 14 inch, lại có vi xử lý tiết kiệm năng lượng nên thời lượng pin của máy quả thực vô cùng ấn tượng.
Trong quá trình sử dụng với nhiều tác vụ khác nhau, Vivobook S14 M5406 đáp ứng con số khoảng 5h30 phút sử dụng liên tục của mình.
Như trong bài test hồi nãy mình cũng đã nói, dù chạy hiệu suất cao trong hơn 30 phút liên tục nhưng cũng chỉ tốn tầm 6%.
Kết luận
Có thể nói, hiệu năng của AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 quá ấn tượng. Hiệu suất mạnh mẽ của chiếc máy này chính là cơ sở để người dùng có thể thoải mái dùng máy với mọi tác vụ tiêu tốn nhiều tài nguyên nhất.
Điểm nhấn hiệu năng cộng với thiết kế nhỏ gọn, di động cao đã tạo nên một chiếc Vivobook S14 M5406 hoàn hảo cho đa dạng người dùng, từ sinh viên, người dùng văn phòng tới những content creator.