wowtech.vn wowtech.vn

©2021 wowtech.vn. All rights reserved

Đánh giá ASUS TUF Gaming A14 (2024): Biến điều không thể thành có thể

Được trang bị bộ xử lý AMD Ryzen™ AI 9 HX 370, hiệu năng xử lý của ASUS TUF Gaming A14 (2024) không hề thua kém các mẫu laptop có hệ thống tản nhiệt khủng. GPU RTX 4060 100W cung cấp sức mạnh đồ họa cân mượt mọi tựa game ở mức Full HD cũng như lý tưởng cho các nhu cầu đồ họa, chỉnh ảnh, dựng phim… Tất cả sức mạnh ấy nằm trong một thân máy dày chưa đến 2cm và chưa đầy 1.5kg.

Thông số cấu hình ASUS TUF Gaming A14 (2024)

Đầu tiên chúng ta sẽ điểm qua về thông số cấu hình của chiếc A14 được sử dụng trong bài viết này.

  • CPU: AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 12 nhân 24 luồng
  • GPU tích hợp: Radeon™ 890M
  • GPU rời: NVIDIA GeForce RTX 4060 100W (75W+25W Dynamic Boost), 8GB GDDR6
  • NPU: 50 TOPS
  • Màn hình: 14-inch, 2560 x 1600, sRGB 100.00%,165Hz, G-Sync, MUX Switch + NVIDIA Advanced Optimus
  • RAM: 32GB LPDDR5X 7500 onboard
  • SSD: 1TB
  • Cổng kết nối
    • 1 giắc cắm âm thanh combo 3,5mm
    • 1x HDMI 2.1 FRL
    • 2x USB-A 3.2 Gen 2
    • 1x USB 3.2-C Gen 2 hỗ trợ DisplayPort
    • 1 x cổng Type-C USB 4 hỗ trợ DisplayPort™ / power delivery
    • 1 x đầu đọc thẻ (microSD) (UHS-II)
  • Pin, adapter: 73Wh, 200W
  • Trọng lượng: 1.46 Kg
  • Kích thước: 31.1 x 22.7 x 1.69 ~ 1.99 cm
  • Hệ điều hành: Windows 11 Home

*Tặng kèm Microsoft Office Home & Student 2021

Ngoài phiên bản cấu hình ASUS TUF Gaming A14 (2024) trên ASUS còn có thêm cấu hình RAM 16GB với mức giá dễ tiếp cận hơn một chút.

Thiết kế

ASUS TUF Gaming A14 (2024) có mặt A (mặt ngoài) và mặt D (mặt đáy) được hoàn thiện từ kim loại cho cảm giác cao cấp, đẹp mắt và tương đối cứng cáp. Tuy nhiên phần viền màn hình và mặt C (mặt kê tay) thì vẫn bằng nhựa. Giá như toàn bộ thân máy bằng kim loại thì nó sẽ ấn tượng hơn rất nhiều. Cảm giác cầm trên tay sử dụng thì máy khá cứng cáp, nhẹ nhàng, bản lề ổn định.

Điểm ấn tượng nhất trên chiếc laptop này rõ ràng là kích thước và cân nặng. Toàn bộ thân máy chỉ dày khoảng 2cm và nặng 1.46kg, nó tương đương hoặc chỉ nặng hơn một chút nhiều mẫu laptop văn phòng 14 inch khác nhưng bên trong là một con “quái vật” hiệu năng đúng nghĩa.

Để tản nhiệt cho máy, ASUS đã thiết kế phần mặt D rất thoáng để lấy được nhiều gió. Khí nóng được đẩy ra phía cạnh sau nhờ một hệ thống quạt mà theo mình là rất hiệu quả.

Màn hình, bàn phím và touchpad

Sở hữu màn hình 14 inch độ phân giải 2560 x 1600 tỷ lệ 16:10, 100% sRGB, TUF A14 2024 cho chất lượng hiển thị sắc nét, màu sắc khá chính xác. Tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự trong trẻo như nhiều màn hình IPS cao cấp. Điểm cộng là màn hình có tần số 165Hz cực kỳ mượt mà và hỗ trợ đầy đủ G-Sync, MUX Switch + NVIDIA Advanced Optimus.

Touchpad của ASUS TUF Gaming A14 (2024) thì khá tốt với diện tích lớn, tracking mượt mà nhưng bàn phím vẫn hơi nặng, cảm giác gõ chưa tốt, phím hơi nhỏ và bề mặt phím bấm cho cảm giác chưa phê. Giá như ASUS làm cho bàn phím tốt hơn một chút thì sẽ tuyệt vời hơn.

 

 

Tính năng AI

Sở hữu NPU 50 TOP, ASUS TUF Gaming A14 sẵn sàng cho nhiều tính năng AI trong Windows 11 24H2. Hiện tại mình đã thấy có tính năng Live captions tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác, chưa có tiếng Việt.

Trong thời gian tới, bản thân ASUS, Microsoft và các nhà phát triển phần mềm chắc chắn sẽ tung ra nhiều phần mềm ứng dụng tận dụng được NPU của máy. 

Hiệu năng - tản nhiệt

Đây có lẽ là phần lớn mọi người sẽ quan tâm nhiều nhất trên chiếc laptop gaming mỏng nhẹ này. Thực sự là mình chưa thấy chiếc laptop dưới 1.5kg nào lại mạnh dạn trang bị GPU 100W cộng thêm một CPU 80W như TUF A14, và còn bất ngờ hơn khi nó hoạt động tốt.

Cụ thể hơn, ASUS TUF Gaming A14 (2024) được trang bị bộ xử lý AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 12 nhân 24 luồng mới nhất với kiến trúc Zen 5 hoàn toàn mới. Đi kèm với CPU mạnh mẽ là đồ họa tích hợp AMD Radeon™ 890M cực kỳ hứa hẹn. Ngoài ra chúng ta còn có GPU rời RTX 4060 8GB 100W. 

Đầu tiên mình sẽ thiết lập chế độ Best Performance trong Windows và Turbo trong Armoury Crate. Lúc này AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 ăn ~80W khi chạy Cinebench R23. Đáng chú ý là mức độ tiêu thụ năng lượng ổn định cũng ở mức này chứ không tụt. Kết quả điểm hiệu năng đơn nhân lẫn đa nhân khiến mình thực sự bất ngờ, khoảng 2000 điểm đơn nhân và 23777 điểm đa nhân với công suất tiêu thụ chỉ 80W! Tất nhiên nhiệt độ CPU cũng khá cao nhưng vẫn ở mức hoàn toàn có thể chấp nhật được trên một chiếc laptop mỏng nhẹ.

Để so sánh, Intel Core i7-14700HX 20 nhân 28 luồng, TDP 157W chạy thực tế có thể lên 160W) cũng chỉ được khoảng 24,000 - 25,000 điểm trong bài test tương tự và điều kiện là phải nằm trong một chiếc laptop hàng khủng 16 - 18 inch nặng trên dưới 3kg. Còn nếu trang bị trên các mẫu laptop 15 - 16 inch có hệ thống tản nhiệt không quá tốt thì điểm hiệu năng cũng chỉ khoảng trên dưới 23,000 mà thôi. Điều đó có nghĩa là CPU AMD có số điểm hiệu năng gần như tương đương nhưng công suất tiêu thụ chỉ bằng một nửa.

Và mình càng bất ngờ hơn khi chạy Cinebench 2024 trong 10 phút để test độ ổn định, kết quả cuối cùng cho ra số điểm giống hệt nhau. Với gần 1200 điểm, Ryzen™ AI 9 HX 370 cũng đánh bại Snapdragon X Elite trong thử nghiệm hiệu năng hiếm hoi được tối ưu cho nền tảng ARM.

Chạy 1 lần

Chạy 10 phút

Tiếp đến mình sẽ thử luôn hiệu năng của Ryzen™ AI 9 HX 370 ở các mức tiêu thụ thấp hơn. Đầu tiên mình rút nguồn và giữ nguyên chế độ hiệu năng cao. Lúc này CPU chỉ ăn tối đa 45W nhưng vẫn đạt số điểm ấn tượng: hơn 20,000 điểm. Để so sánh thì Core Ultra 9 185H chạy ở >100W cũng chỉ được khoảng 18,000 điểm.

Ngay cả khi đặt chế độ hiệu năng của Windows về tiết kiệm năng lượng, không cấp nguồn, công suất tiêu thụ tối đa của CPU chỉ khoảng 31W thì kết quả Cinebench R23 vẫn đạt gần 16500 điểm, bằng với Ryzen™ 9 8945HS chạy ở 80W. Với cùng mức tiêu thụ ~30W, Ryzen™ 7 8840HS chỉ đạt khoảng 11500 điểm. Như vậy mặc dù vẫn là tiến trình 4nm nhưng Zen 5 đã chứng tỏ khả năng tiết kiệm vô cùng ấn tượng so với Zen 4. Và bản thân Zen 4 đã tối ưu năng lượng tốt hơn nhiều so với Core Ultra nên có thể nói Zen 5 hiện tại đã bỏ xa đối thủ.

Dưới đây là một số bài benchmark khác:

3DMark Time Spy: Điểm CPU rất cao, điểm GPU cân mượt mọi loại game

3DMark Time Spy Extreme

3DMark Time Spy với đồ họa tích hợp, sức mạnh cũng không đùa được đâu

 

Geekbench 6, điểm đơn nhân quá ấn tượng

Điểm OpenCL của đồ họa tích hợp Radeon™™ 890M: Mạnh hơn cả GTX 1650 Max-Q 

Được trang bị SSD PCIe Gen4 NVMe, tốc độ ổ cứng rất cao

Về trải nghiệm chơi game thực tế, tất nhiên ASUS TUF Gaming A14 (2024) cân tốt PUBG ở thiết lập Ultra, độ phân giải Full HD, fps cho ra ổn định ở trên 120 hoàn toàn mượt mà. Tuy nhiên nếu chơi lâu thì mặt bàn phím cũng sẽ ấm lên nhưng vẫn duy trì được hiệu năng cao. Đây là điều dễ hiểu bởi chiếc laptop này thực sự quá mỏng nhưng phải gánh CPU + GPU sử dụng đồng thời đâu đó >120W khi chơi game.

Điều khiến mình bất ngờ là khi chuyển sang chế độ chỉ dùng đồ họa tích hợp, iGPU Radeon™ 890M vẫn đủ chơi PUBG setting low ở 60 - 80fps, hoàn toàn đủ để trải nghiệm tựa game này. 

Benchmark với Shadow of the Tomb Raider ở thiết lập đồ họa cao, Full HD, fps trung bình đạt tới ~130fps.

Shadow of the Tomb Raider cho mức fps khá cao

Mình cũng có thử chạy Shadow of the Tomb Raider ở thiết lập đồ họa cao, Full HD với đồ họa tích hợp, kết quả vẫn đạt 44fps. Với kết quả này, bạn hoàn toàn có thể yên tân cân mượt các tựa game eSport trên những chiếc laptop trang bị Ryzen™ AI 9 HX 370 không có GPU rời.

Shadow of the Tomb Raider với đồ họa tích hợp

Khi chơi game, GPU có thể ăn tối đa 100W, trung bình khoảng 70 - 80W, nhiệt độ ở mức 70 - 80 độ liên tục và đáng chú ý là nhiệt độ mặt C sẽ khá cao nên mình nghĩ bạn nào mua chiếc laptop này thì không nên chơi game nặng liên tục trong thời gian dài.

Đổi lại nếu bạn render video hay làm việc, GPU chỉ ăn khoảng 60W khi máy được cấp nguồn và 45W khi không cấp nguồn, máy mát mẻ hơn nhiều. Thử nghiệm thực tế của mình cho thấy RTX 4060 8GB cho tốc độ render nhanh hơn nhiều so với RTX 4050 dù không sử dụng nhiều năng lượng hơn. 

Thời lượng pin

Để đánh giá thời lượng lượng pin một chiếc laptop gaming mình luôn bật tiết kiệm năng lượng, lúc này GPU rời không hoạt động. Ở chế độ này CPU sử dụng tối đa 30W nhưng thực tế nếu chỉ duyệt web, sử dụng phần mềm văn phòng thì CPU chỉ sử dụng 3 - 5W mà thôi.

Mình thử nghiệm phát một video Full HD trên YouTube với độ sáng màn hình 50% thì sau 4 tiếng máy vẫn còn 64% pin. Còn khi làm việc thực tế (công việc mình toàn bộ trên môi trường online, sử dụng Chrome) thì sau 6 giờ làm việc vẫn còn gần 30% pin. Như vậy nếu sử dụng bộ Office thì thời gian sử dụng thậm chí có thể dài hơn nữa.

So với cấu hình và hiệu năng của máy thì thời lượng pin như vậy là quá ổn. Nó dư sức để mình mang ra cà phê làm việc mà không cần quan tâm đến chỗ cắm điện. Đủ cho một buổi họp dài vài tiếng và như vậy là đáp ứng đủ cho hầu hết mọi nhu cầu. Dẫu có thể chưa tối ưu được như Snapdragon X Elite trong các tác vụ văn phòng nhưng rõ ràng AMD Ryzen™ AI 9 HX 370 cân bằng hoàn hảo hơn về mọi mặt, từ hiệu năng, khả năng tương thích, tính ổn định và thời lượng pin đủ tốt.

Tổng kết

ASUS TUF Gaming A14 (2024) thực sự là một chiếc laptop quá ấn tượng và góp công lớn vào đó chắc chắn không thể không nhắc tới bộ xử lý AMD Ryzen™ AI. Nếu nhu cầu của bạn chơi game nặng liên tục nhiều giờ liền mỗi ngày thì có thể đây sẽ không phải lựa chọn tốt. Nhưng nếu bạn chỉ chơi game giải trí, quan tâm đến hiệu năng CPU để chạy các phần mềm nặng, xử lý data, lập trình, cần GPU đủ mạnh để dựng phim thiết kế và ưu tiên nhỏ gọn thì chắc chắn ASUS TUF Gaming A14 (2024) là một trong những lựa chọn tốt nhất hiện nay.