wowtech.vn wowtech.vn

©2021 wowtech.vn. All rights reserved

Đánh giá ASUS TUF Gaming A15 FA506NF: Laptop gaming giá rẻ nhưng game online hay offline đều “cân” tốt!

Dù sở hữu mức giá không quá cao nhưng Asus TUF Gaming A15 FA506NF vẫn được trang bị hiệu năng mạnh mẽ với sự kết hợp vi xử lý AMD Ryzen™ 5 7535HS và GPU Nvidia GeForce RTX 2050.

Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop gaming có mức giá vừa phải nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sở hữu một thiết bị có hiệu năng mạnh mẽ thì ASUS TUF Gaming A15 FA506NF sẽ là lựa chọn tuyệt vời với giá thành khoảng 17 triệu đồng.

Cấu hình ASUS TUF Gaming A15 FA506NF

  • CPU: AMD Ryzen™ 5 7535HS, 6 nhân 12 luồng, up to 4.55GHz, TSMC 6nm FinFET
  • GPU tích hợp: AMD Radeon™ 660M
  • GPU rời: RTX 2050 Laptop GPU
  • RAM: 16GB DDR5-5600 SO-DIMM
  • SSD: 512GB M.2 NVMe™ PCIe® 4.0
  • Màn hình: 15.6 inch, 1920x1080 pixels, 144Hz
  • Cổng kết nối:
    • 1x USB 3.2 Gen 2 Type-C hỗ trợ DisplayPort™ / power delivery / G-SYNC
    • 2x USB 3.2 Gen 1 Type-A
    • 1x RJ-45 LAN
    • 1x HDMI 2.1 FRL
    • 1x COMBO audio jack
    • 1x Type C USB 4 support DisplayPort™ / G-SYNC
  • Kết nối không dây: WiFi 6 802.11AX (2 x 2), Bluetooth 5.3
  • Pin: 90WHrs, 4S1P, 4-cell Li-ion
  • OS: Windows 11 Home SL
  • Trọng lượng: 2.3 kg

Nhìn chung thông số cấu hình của ASUS TUF Gaming A15 FA506NF cũng không có gì quá đáng nói. Điểm nhấn đến từ bộ đôi Đỏ - Xanh (Ryzen 5 75735HS và RTX 2050) cùng với RAM DDR5 giúp mang đến sức mạnh ấn tượng cho chiếc laptop này.

Bên cạnh đó, ASUS là hãng laptop gaming hàng đầu với dải sản phẩm trải dài từ phân khúc giá rẻ cho đến cao cấp nên những chiếc laptop thuộc phân khúc gaming giá rẻ như này sẽ được thừa hưởng nhiều lợi ích như độ ổn định, phần mềm hay thiết kế. 

Thiết kế

ASUS TUF Gaming A15 FA506NF khoác lên mình một lớp áo ngoài tuy nhìn đơn giản nhưng tính nhận biết lại rất cao. Logo TUF nổi bật ở chính giữa mặt A của máy. Tạo điểm nhấn cho máy là hoạt tiết phay xước kết hợp với tổ ong để giúp chiếc máy trở nên ấn tượng hơn.

Mặt D tuy nằm ở phía dưới nhưng ASUS cũng rất biết cách để người ta nhớ tới với hệ thống thoát khí, tản nhiệt có họa tiết tổ ong lớn. Kiểu thiết kế này không phải mới lại, ASUS đã làm nó trên rất nhiều laptop gaming của mình trong vài năm qua. 

Độ hoàn thiện của  ASUS TUF Gaming A15 FA506NF rất ấn tượng dù sở hữu mức giá phổ thông. Cảm giác chắc chắn, cảm giác khi nhấc lên hay sử dụng có sự cứng cáp nhất định. Ở phía sau chúng ta còn có thêm 2 khe thoát nhiệt để đảm bảo máy hoạt động luôn tốt trong mọi điều kiện và nhu cầu sử dụng.

Bàn phím trên ASUS TUF Gaming A15 FA506NF là dạng fullsize, có đầy đủ numpad. Đây rõ ràng là thông điệp hướng tới các game thủ bởi có những tựa game cần có thêm numpad để trải nghiệm game hoàn hảo nhất. Bàn phím được tích hợp LED RGB có thể thay đổi hiệu ứng trong phần mềm Armoury Crate. 

Hiệu năng

Test nhanh qua một vài bài benchmark

Hãy trực tiếp đi vào hiệu năng của máy, thứ quan trọng với mọi chiếc laptop gaming và cũng là thứ hấp dẫn nhất trên ASUS TUF Gaming A15 FA506NF.

Và bài viết này mình sẽ test nhiều tựa game hơn, AAA cũng có, game online đang thịnh hành cũng có để các bạn có thể hình dung rõ hơn về hiệu năng của máy.

Nhưng cũng phải test nhanh 1 vài bài test hiệu năng để xem điểm số của vi xử lý AMD Ryzen™ 5 7535HS nói riêng và chiếc laptop gaming nói chung này như nào nhé. 

Mở đầu với Cinebench R23, đầu tiên là việc kiểm tra hiệu suất đa nhân của AMD Ryzen™ 5 7535HS. Theo thông số AMD công bố thì CPU trên chiếc máy có TDP mặc định tối đa 54W. Nhưng với bài test này phải “bung” gần như hết sức để chạy nên TPD tối đa đo được ghi test đa nhân là 62W và tương đối ổn định ở mức trung bình 60W.

Kết quả của lần chấm đầu tiên, máy đạt 9,216 điểm còn sau 30 phút đo lại thì điểm đa nhân của AMD Ryzen™ 5 7535HS nhỉnh hơn một tí với 9,414 điểm.

Với bài test đơn nhân, 32W là mức tiêu thụ điện năng tối đa của vi xử lý AMD này khi chạy bài test đa nhân, mức trung bình là hơn 25W.

Điểm số đơn nhân trong Cinebench R23 cao nhất mà AMD Ryzen™ 5 7535HS đạt được là 1,373 điểm. 

Chuyển qua bài test 3DMark, mình test nhanh 2 bài bao gồm Fire Strike và Time Spy.

Với bài test Time Spy Extreme, điểm số CPU đạt được là hơn 3,500 điểm. Trong khi đó, Fire Strike Extreme thì điểm số tổng đạt được là 4,846 điểm. 

Phần mềm này ước định nếu chơi tựa game Battlefield V (một tựa game AAA ra mắt vào 2018) ở độ phân giải 1440p, setting đồ họa Ultra thì sẽ đạt trên 40FPS. Nhưng thực tế với ASUS TUF Gaming A15 FA506NF chỉ có màn hình Full HD nên nếu chơi tựa game này thì người dùng sẽ có mức FPS cao hơn như vậy. 

Test game online phổ biến, offline bom tấn

Điểm số có thể gây khó hiểu với nhiều người, vậy nên mình chuyển sang test game để mọi người dễ hình dung hơn. 

Đầu tiên là Liên Minh Huyền Thoại, tựa game MOBA online mà ai chơi game cũng đã từng nghe qua hoặc chơi. Vì là tựa game phổ biến nên game cũng không yêu cầu cấu hình quá cao.

Với cấu hình của máy là AMD Ryzen™ 5 7535HS và RTX 2060 nên việc thiết lập đồ họa cao nhất không gặp vấn đề gì. FPS trong game dao động từ khoảng 125~160 tùy vào từng tình huống.

Chuyển qua tựa game tiếp theo cũng là một tựa game của Riot với cái tên Valorant. Game của nhà Riot thì không cái nào yêu cầu cấu hình quá cao nên việc chơi mượt mà, không phải lo giật lag là điều không phải bàn.

 

Thiết lập đồ họa cao nhất nhưng có thể chơi ngon lành ở mức FPS 170~185, vậy nên có thể tận dụng tốt màn hình 144Hz trên máy để chơi game mượt nhất có thể. CPU cũng không ăn quá nhiều điện, chỉ khoảng 35~42W, còn chưa tới mức 65W như bài test đa nhân ở trên.

Game online phổ biến có vẻ không làm khó được máy nên mình chuyển sang một vài tựa game offline thuộc dạng bom tấn như GTA V, Horizon Zero Dawn và eFootball.

Đầu tiên là eFootball 2024, còn được gọi với cái tên dễ nhớ hơn là PES. Tổng dung lượng của game này lên tới hơn 60GB (bao gồm game gốc, bản mod đồ họa, tính năng,...) nên hiển nhiên chơi game này mượt thì FC Online cũng không phải vấn đề. 

Vì tích hợp nhiều hiệu ứng 3D và chân thật nên card đồ họa RTX 2050 phải chạy ở mức full 100% trong khi đó AMD Ryzen™ 5 7535HS thì nhàn hạ hơn khi chỉ chạy tầm 52% nhưng trải qua hơn 1 tiếng test game thì cũng khá nóng với 90 độ.

Hiệu ứng trong PES chân thật và chi tiết khiến máy phải bung hiệu suất ra để xử lý, FPS cũng dao động mạnh.

Chuyển sang tựa game khác là GTA V. Ra mắt đã gần 10 năm nhưng về đồ họa, tính chân thật và trải nghiệm thì vẫn rất tuyệt vời. Đặc biệt hơn khi nó vẫn là “hung thần” của kha khá chiếc máy, đặc biệt là phân khúc phổ thông nếu muốn chơi ở đồ họa cao nhất.

Test nhanh GTA V (chưa bao gồm mod) máy đạt được mức FPS khoảng 100~130 tùy vào từng giai đoạn với mức thiết lập đồ họa cao (chưa phải cao nhất). Nhìn vào thông số, có thể thấy mức điện năng tiêu hao cũng tăng lên hơn 41W.

Cuối cùng là Horizon Zero Dawn, game bom tấn thì không thể xem thường được, ra mắt đã từ lâu nhưng với dung lượng lên tới 120GB thì chiếc laptop gaming phổ thông nào cũng phải “ngán” trò chơi này. 

Mình chỉ có thể thiết lập mức đồ họa Medium để cân bằng giữa đồ họa và tốc độ khung hình. Bởi nếu cố tình setting đồ họa cao thì máy chỉ chạy ở FPS trên 60 một chút và đôi khi drop, cảm giác chơi game, di chuyển, đánh đấm không thích mắt lắm.

Ở mức trung bình thì máy có thể đáp ứng được mức FPS tầm 130~150. Mức FPS này tương đối cao và có thể gia tăng thêm tùy chỉnh đồ họa nhưng với mình thì như này là tuyệt vời. Game vẫn đẹp, trải nghiệm mượt và tối ưu được màn 144Hz là điều hài lòng.

Tổng kết

Sau khi trải nghiệm ASUS TUF Gaming A15 FA506NF, điểm ấn tượng nhất của chiếc máy này đối với mình đó là nó có thể cung cấp hiệu năng tốt so với mức giá, đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu chơi game, làm việc, học tập của người dùng ở mức từ khá đến tốt. 

Việc test đủ các tựa game từ online đến offline đã cho thấy chiếc máy này chính là lựa chọn tuyệt vời cho các game thủ bỏ ra số tiền vừa phải nhưng vẫn trải nghiệm trọn vẹn cảm giác gaming. 

Sự kết hợp giữa AMD Ryzen™ 5 7535HS và RTX 2050 chính là câu trả lời chính xác cho những game thủ đang tìm kiếm chiếc laptop với nhu cầu ở trên.