Một ngày làm việc với ASUS ROG Zephyrus G14 2024: Pin ấn tượng, AI hữu ích, thiết kế & màn hình quá đẹp
ASUS ROG Zephyrus G14 2024 thực sự là một trong những chiếc máy tính Windows mang lại cho mình nhiều cảm xúc nhất, trải nghiệm tuyệt vời nhất với quá nhiều điểm hấp dẫn. Dưới đây là những trải nghiệm thực tế của mình khi sử dụng chiếc laptop này để thực hiện những công việc liên quan đến sáng tạo nội dung.
Thông số cấu hình ASUS ROG Zephyrus G14 2024
Đầu tiên chúng ta sẽ điểm qua về thông số cấu hình của chiếc laptop này.
- CPU: AMD Ryzen™ 9 8945HS, 8 nhân 16 luồng, up to 5.2GHz, TSMC 4nm FinFET, kiến trúc Zen 4, tích hợp nhân xử lý Ryzen™ AI chuyên dụng
- GPU tích hợp: AMD Radeon™ 780M 12 nhân (RDNA 3)
- GPU rời: RTX 4050 6GB 90W (65W+25W Dynamic Boost)
- RAM: 32GB (16x2) DDR5X 6400MHz (onboard)
- SSD: 512GB SSD Gen4 NVMe
- Màn hình: ROG Nebula Display 14 inch, OLED 16:10, 2880 x 1800 px, 100% DCI-P3, 3K 120Hz, G-Sync, MUX Switch + NVIDIA Advanced Optimus, Pantone Validated, HDR
- Cổng kết nối: 1x HDMI 2.1, 2x USB-A 3.2 Gen 2, 1x USB-C 3.2 Gen 2 hỗ trợ DP, 1x USB4 hỗ trợ DP và PD, 1x 3.5mm, 1x microSD
- Pin: 4 Cell 73WHr, adapter 180W
- OS: Windows 11 Home SL
- Trọng lượng: 1.5kg
- Kích thước: 31.1 x 22.0 x 1.59 ~ 1.63 cm
Như vậy, ROG Zephyrus G14 được trang bị bộ xử lý mạnh mẽ nhất thuộc dòng Ryzen 8000 "Hawk Point" của AMD. Đây là một trong những bộ xử lý có tích hợp nhân xử lý AI chuyên dụng mạnh mẽ nhất hiện nay. Ngoài ra, việc được sản xuất trên tiến trình 4nm và kiến trúc Zen 4 tối ưu cũng hứa hẹn mang đến thời lượng pin tuyệt vời.
Thiết kế ASUS ROG Zephyrus G14 mang đến nhiều cảm xúc
Ấn tượng đầu tiên khi cầm trên tay chiếc ASUS ROG Zephyrus G14 chính là thiết kế quá đẹp, quá gọn. Năm nay ASUS đã bỏ phần màn hình LED AniMe Matrix ở mặt sau thay bằng một dải LED lighting chéo qua mặt A. Thiết kế này theo mình là hiện đại hơn và quan trọng là nó giúp cho trọng lượng máy nhẹ nhàng hơn. Tổng thể máy chỉ nặng 1.5kg, một trọng lượng quá nhẹ đối với chiếc laptop có sức mạnh khủng với combo Ryzen™ 9 8945HS + RTX 4050.
ASUS ROG Zephyrus G14 có bộ vỏ màu trắng đồng nhất từ ngoài vào trong và đặc biệt bộ khung được CNC từ một khối nhôm giúp cho máy cực kỳ cứng cáp, bền bỉ, tinh xảo. Ngay khi cầm trên tay bạn sẽ cảm nhận được ngay sự cao cấp, ấn tượng của chiếc laptop này, một cảm giác mà chúng ta sẽ khó bắt gặp trên những chiếc laptop Windows khác trên thị trường.
Sau khi mở nắp máy lên, đập vào mắt là một màn hình gương OLED với 3 viền mỏng ấn tượng, phía dưới là hệ thống bàn phím cũng màu trắng với đèn nền RGB và một touchpad rộng rãi. Thực sự khi nhìn qua chiếc laptop này mình không thể tin được đây lại là một chiếc laptop gaming thuộc dòng ROG vì nó quá gọn gàng, quá đẹp với tất cả trang bị lý tưởng cho nhu cầu đa tác vụ.
Và thật vậy, ASUS ROG Zephyrus G14 có lẽ phù hợp hơn cho công việc, cho những ai có nhu cầu tìm kiếm một chiếc laptop gọn nhẹ nhưng phải mạnh mẽ, đa năng, vừa có thể đáp ứng các nhu cầu công việc đòi hỏi sức mạnh xử lý của CPU, GPU, vừa cần màn hình đẹp, màu sắc chính xác lại vừa có thể chơi game.
Với những gì ROG Zephyrus G14 2024 được trang bị, nó thực sự quá phù hợp với nhu cầu của một người làm sáng tạo nội dung như mình. Với nhu cầu vừa viết nội dung, chỉnh sửa hình ảnh, edit video, lại thường xuyên đi cà phê làm việc, đôi lúc cần họp hành từ xa, chiếc laptop này thực sự quá hoàn hảo cho những nhu cầu ấy.
Làm việc với ROG Zephyrus G14 2024: Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác
Cầm ROG Zephyrus G14 2024 trong tay, mình quyết định bắt đầu một ngày làm việc mới ở quán cà phê và quyết định không mang theo adapter để xem AMD Ryzen™ 9 8945HS sản xuất trên tiến trình 4nm sẽ giúp máy trụ được bao lâu. Tất nhiên khi không cấp nguồn mình sẽ đặt chế độ hiệu suất thành tiết kiệm năng lượng và sẽ không chơi game hay làm các công việc quá nặng như edit video mà chủ yếu là viết nội dung, chỉnh sửa hình ảnh nhẹ nhàng, họp hành…
Cũng cần nói thêm, mình luôn làm việc trên Google Docs và Google Sheets chứ hiếm khi làm trên Microsoft Office. Điều đó cũng có nghĩa là toàn bộ thời gian làm việc sẽ online, sử dụng trình duyệt Chrome. Trong lúc làm việc còn mở YouTube để nghe nhạc - một tác vụ tốn khá nhiều năng lượng vì máy vẫn cần giải mã và phát video, nếu nghe nhạc trên YouTube Music hay trên Spotify thì sẽ tiết kiệm năng lượng hơn đáng kể.
Trong lúc viết nội dung chắc chắn mình cần tìm kiếm thông tin rất nhiều và lúc đó Copilot - một tính năng AI trên Windows 11 thực sự đã giúp mình rất nhiều. Thay vì phải tìm kiếm, đọc hàng chục bài viết khác nhau trên internet để có được thông tin thì mình chỉ cần hỏi Copilot là xong, nó cung cấp chính xác những gì mình cần, tóm tắt một cách ngắn gọn, dễ hiểu và quan trọng hơn nó nằm ngay trên Taskbar, không cần chuyển qua tab khác trên trình duyệt để sử dụng.
Trong quá trình làm việc mình còn sử dụng Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh phục vụ cho bài viết, nội dung. Ngoài ra mình cũng thử một vài tính năng AI trong Photoshop ví dụ như tách nền tự động, mọi thứ hoạt động cực kỳ mượt mà, nhanh chóng và chính xác giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Sau 4 tiếng làm việc liên tục máy vẫn còn 50% pin, quá ấn tượng cho một chiếc laptop hiệu năng cao. Lúc này mình có một cuộc họp online và mình nghĩ ngay đến Windows Studio Effects - một tính năng dựa trên AI và tận dụng chính bộ xử lý AI trong máy để xử lý. Windows Studio Effects cung cấp một loạt các tính năng thông minh như tự động điều chỉnh chủ thể (chính là mình) vào giữa khung hình, điều chỉnh mắt để những người khác cảm thấy mình vẫn đang nhìn vào camera trong khi thực tế là mình đang nhìn vào màn hình, ngoài ra nó cũng cung cấp tính năng xóa phông, thay nền. Sau gần một tiếng họp, máy cũng chỉ tốn thêm khoảng 15% pin.
Như vậy sau 5 tiếng làm việc liên tục từ sáng đến trưa, 100% online, có sử dụng thêm cả Photoshop, họp online, sử dụng nhiều tính năng AI thì máy vẫn còn 35% pin, đủ để dùng thêm 2 tiếng nữa. Nếu sử dụng tiết kiệm hơn (ví dụ như sử dụng Microsoft Office thay cho Google, nghe nhạc trên YouTube Music hay Spotify thay cho YouTube) thì thời gian sử dụng 8 tiếng là hoàn toàn khả thi. Và cần phải nói thêm rằng, ROG Zephyrus G14 2024 đang gánh một màn hình 3K, tốn pin hơn nhiều so với một màn hình Full HD thông thường.
Trong thời gian làm việc mình còn đặc biệt ấn tượng với hệ thống bàn phím, touchpad và chất lượng màn hình. Về bàn phím, khoảng cách phím, cảm giác xúc giác khi chạm vào bề mặt phím cũng như cảm giác phản hồi phím đều cực kỳ tốt, mình chỉ mất 5 phút để làm quen hoàn toàn bàn phím của chiếc laptop này. Touchpad rất lớn, tracking chính xác cho phép làm việc mà không cần đến chuột rời, nếu lỡ có quên chuột thì cũng không vấn đề gì cả.
Đến phần màn hình, với tấm nền OLED, độ phân giải cao, 100% DCI-P3, độ sáng rất cao mang đến khả năng hiển thị quá ấn tượng. Nó rõ ràng dư sức đáp ứng các nhu cầu thiết kế, chỉnh ảnh - những nhu cầu đòi hỏi cao về màu sắc. Và cho dù không cần đến những nhu cầu như vậy thì khi làm việc thông thường, xem video - đặc biệt là các MV ca nhạc bạn cũng sẽ hoàn toàn bị thuyết phục với màn hình của ROG Zephyrus G14 2024.
Sau thời gian nghỉ trưa mình bắt đầu bắt tay vào dựng một chiếc video và tất nhiên lúc này máy được cắm nguồn, bật chế độ hiệu suất cao, ngoài ra mình cũng vào Armoury Crate để tùy chỉnh tốc độ quạt quay cao hơn mức mặc định.
Mặc dù ROG Zephyrus G14 2024 sử dụng keo tản nhiệt kim loại lỏng, bộ xử lý sản xuất trên tiến trình 4nm tối ưu nhưng rõ ràng đây vẫn chỉ là một chiếc laptop 14 inch và nặng chỉ 1.5kg. Không thể mong đợi máy hoạt động mát mẻ như những chiếc laptop gaming 2.3 - 2.4kg được. Nhờ việc tăng tốc độ quạt, trong quá trình sử dụng máy vẫn khá mát mẻ đổi lại tất nhiên quạt sẽ ồn một chút nhưng đó là điều chấp nhận được vì ngay cả các mẫu laptop gaming tản nhiệt khủng thì cũng sẽ ồn khi hoạt động động nặng.
Vì làm ở nhà nên mình quyết định dùng loa của máy để edit video luôn chứ không dùng tai nghe. Đến lúc này mình lại tiếp tục bất ngờ với chất lượng âm thanh quá đỉnh của ROG Zephyrus G14 2024. Mặc dù đã xem qua về thông số kỹ thuật của loa nhưng vẫn không khỏi bất ngờ những gì máy thể hiện. Với hệ thống 6 loa gồm 2 loa Tweeter và 4 loa siêu trầm (được thiết kế để tự triệt tiêu lực), Zephyrus G14 2024 xứng đáng nằm trong top những mẫu laptop có loa tốt nhất thế giới hiện nay.
Về trải nghiệm sử dụng phần mềm Premiere Pro 2024, nhờ được trang bị CPU mạnh mẽ, GPU rời khá mạnh cùng 32GB RAM, việc edit các video 4K ở mức không quá phức tạp hoàn toàn mượt mà. Thậm chí mình còn thêm các lớp chỉnh màu và làm mịn da, một số text animations thì tốc độ preview vẫn rất tốt. Tốc độ render cũng khá nhanh, video thành phẩm khoảng 20 phút với đầy đủ các hiệu ứng và layer mình vừa kể trên chỉ mất khoảng 10 phút render, quá đủ cho một solo content creator làm nội dung mọi nơi mọi lúc.
Benchmark nhanh hiệu năng của Ryzen™ 9 8945HS bằng Cinebench R23, con chip này ghi được gần 17.000 điểm với mức tiêu thụ năng lượng tối đa chỉ 78W và như các bạn thấy HWiNFO64 chưa báo quá nhiệt. Đó là mức hiệu năng ~ Intel Core i7-13700H chạy ở >115W.
Tuy nhiên theo mình quan sát thì mức tiêu thụ năng lượng cũng như xung nhịp giảm nhẹ trong quá trình benchmark, điều đó cũng có nghĩa là nếu đi kèm một hệ thống tản nhiệt tốt hơn ví dụ như trang bị trong một chiếc laptop gaming to nặng hơn thì hiệu năng của Ryzen™ 9 8945HS hoàn toàn có thể cao hơn nữa.
Sau một ngày làm việc mình cũng thử giải trí nhẹ nhàng với tựa game PUBG. Nhưng trước khi chơi game mình cũng thử benchmark nhanh với Shadow of the Tomb Raider, thiết lập độ phân giải ở Full HD. Kết quả khá ấn tượng với fps trung bình 113, không thấp hơn quá nhiều so với những mẫu laptop gaming cùng sử dụng RTX 4050 nhưng TDP 115W hoặc cao hơn.
Với PUBG, mình cũng thiết lập độ phân giải ở Full HD, đồ họa mức độ trung bình, fps đạt được luôn trên 100 đảm bảo trải nghiệm mượt mà. Trong thời gian chơi, TGP chỉ loanh quanh 60W tức là vẫn có thể tăng thiết lập đồ họa lên nữa nhưng lúc này hệ thống tản nhiệt sẽ phải làm việc “cực nhọc” hơn. Với cá nhân mình chơi game giải trí nhẹ nhàng như vậy là đủ, nếu chơi các tựa game eSport khác nhẹ nhàng hơn thì máy dư sức đáp ứng, vậy là quá đủ cho một chiếc laptop 14 inch 1.5kg và quá mỏng ~1.6cm.
Điều thú vị là cả khi chạy benchmark bằng Shadow of the Tomb Raider hay chơi PUBG thì CPU chưa lúc nào chạy quá 10% cho dù GPU có Full load.
Tạm kết
Với thiết kế đẹp mắt, mỏng nhẹ, màn hình cực kỳ chất lượng, chất lượng âm thanh tuyệt vời, bàn phím touchpad ngon, hiệu năng tốt, hỗ trợ nhiều tính năng AI, thời lượng pin dài, ASUS ROG Zephyrus G14 2024 thực sự là một trong những chiếc laptop tốt nhất cho dân sáng tạo nội dung.
So với các thế hệ Zephyrus G14 tiền nhiệm, phiên bản 2024 đã thực sự lột xác để mang lại trải nghiệm tốt tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt là việc sử dụng màn hình OLED với chất lượng hiển thị cực kỳ tốt, màu sắc chính xác biến Zephyrus G14 2024 càng phù hợp hơn cho nhu cầu công việc, sáng tạo nội dung và cần tính di động cao.