Mới tham gia eSports, nên chọn cấu hình nào?
Nếu bạn là người muốn thiết lập một phòng máy iCafe phục vụ cho nhóm đối tượng yêu thích những tựa game thể thao điện tử eSports như Counter Strike 2 (CS 2), Player Unknown Battleground (PUBG) và League of Legends, hay đơn giản bạn chỉ là người yêu thích môn thể thao này, chắc chắn bạn sẽ tự hỏi nên lựa chọn một dàn máy thế nào để có thể chơi được các tựa game này với hiệu năng tốt nhất với mức đầu tư hợp lý.
Trong bài viết này, người viết sẽ giới thiệu đến với bạn đọc một cấu hình máy phù hợp, giúp bạn có thể dễ dàng thử sức với bộ môn thể thao này.
Thể thao điện tử cần cấu hình thế nào?
Trên thực tế, hầu hết các tựa game được sử dụng cho thi đấu eSports đều đòi hỏi một cấu hình rất nhẹ nhàng. Thậm chí kể cả các máy sử dụng giải pháp đồ hoạ tích hợp Intel Iris Xe cũng có thể gánh tốt các tựa game này ở mức thiết lập thấp và độ phân giải 1080p với một mức tốc độ khung hình ở mức chấp nhận được. Chơi thì vẫn được, nhưng chắc chắn bạn sẽ phải chấp nhận hiệu ứng thì xấu mù, hình ảnh thì xé rách, đó là chưa kể đến những pha giật lag đúng lúc gay cấn khi các hiệu ứng cháy nổ xuất hiện dồn dập trong CS 2 và PUBG hay các skill bay đầy trời trong những pha combat theo nhóm đầy mãn nhãn.
Hình ảnh có chất lượng thấp ảnh hưởng đến thẩm mỹ và cảm nhận của người chơi đã đành, bạn còn phải chịu thêm thiệt thòi so với các đối thủ khác, nhất là ở trong các tựa game hành động 3D như PUBG. Một trong các yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến người chơi là tầm nhìn không được xa do draw distance bị giới hạn để giảm tải cho đồ hoạ. Do đó, bạn sẽ dễ dàng bị đối phương nhận ra từ xa nhưng lại không thể phát hiện được đối phương đúng lúc. Kết quả là bạn dù có tài năng bằng trời đi nữa thì cũng rất có thể bạn sẽ bị một “gà mờ” hạ gục bằng một khẩu súng bắn tỉa.
Bên cạnh đó, tốc độ khung hình là một yếu tố khác có ảnh hưởng đến hành động của người chơi, đặc biệt là các game thủ “cao tay ấn” lăn lộn một thời gian dài trong thế giới Thể thao điện tử. Thử tưởng tượng mà xem, nếu bạn là người có phản xạ nhanh chóng với khả năng quay ngoắt 90 độ trong 1 giây ở tốc độ khung hình 30fps, vậy tính ra mỗi một khung hình con trỏ chuột của bạn sẽ “nhảy” một góc 3 độ. Điều này có thể làm cho bạn bị trượt qua đối thủ khi thao tác nhanh. Đó là chưa kể đến việc tốc độ khung hình thấp sẽ làm cho người chơi nhanh chóng mệt mỏi khi phải tập trung quá nhiều vào hình ảnh.
Vậy nên, bạn sẽ cần đến một cấu hình PC vừa đủ mạnh với cả CPU và GPU đủ sức để có thể chạy được các tựa game này ở mức thiết lập cao với tốc độ trung bình trên mức 100fps để bạn có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Cấu hình đề xuất
Người viết đề xuất cho bạn một cấu hình PC như sau, phù hợp cho cả mục đích sử dụng gia đình lẫn trang bị cho các máy phổ thông iCafe, phục vụ cho nhu cầu chơi game eSports của game thủ.
Mặc dù trên thực tế, các giải đấu eSports đều sử dụng cấu hình máy thuộc hàng cao cấp nhất hiện nay để đẩy tốc độ khung hình vượt quá 300fps, đủ sức chinh phục những mẫu màn hình siêu tốc có tốc độ quét hình lên đến 380Hz chuyên dụng cho thi đấu, thế nhưng với hầu hết người dùng hiện nay, những mẫu màn hình chơi game full HD có tốc độ quét hình từ 144Hz đến 165Hz vẫn là lựa chọn phổ biến, thế nên bạn sẽ không cần đến các cấu hình quá mạnh mẽ.
Một cấu hình tầm trung của AMD với các linh kiện ở thế hệ kế cận sẽ là một lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
- CPU: AMD Ryzen 7 5700
- GPU: AMD RX 6650 XT 8GB
- RAM: 16GB DDR4 3600MHz
- SSD: 512GB
- PSU: 550W
Mặc dù nền tảng AM5 đã ra mắt thị trường cùng các mẫu CPU thế hệ mới, thế nhưng AMD vẫn mạnh tay hỗ trợ cho nền tảng AM4 đã đạt đến độ chín với một loạt các mẫu CPU vừa ra mắt, trong đó có AMD Ryzen 7 5700.
Đây là mẫu CPU tầm trung – cao cấp sử dụng kiến trúc Zen 3 sản xuất trên tiến trình 7nm của TSMC với 8 nhân và 16 luồng xử lý, hoạt động với xung nhịp tối đa lên đến 4.8GHz mà không cần đến các hệ thống quạt tản nhiệt nước AIO đắt đỏ. Trong khi đó, AMD RX 6650 XT là phiên bản nâng cấp nhẹ từ mẫu GPU tầm trung AMD RX 6600 XT với mức xung nhịp cao hơn và lượng RAM đồ hoạ lên đến 8GB.
Mặc dù các linh kiện này đều ra mắt cách đây không lâu, thế nhưng do sử dụng kiến trúc của thế hệ kế cận cùng với việc được chế tạo trên dây chuyền công nghệ được hoàn thiện, thế nên mức giá của cả hai mẫu linh kiện này đều thấp hơn khá nhiều thế hệ hiện tại dù sức mạnh đem lại thì không có chênh lệch quá nhiều.
Ngoài ra, các bộ bo mạch chủ X570 giờ đây đã có mức giá thấp hơn rất nhiều hồi mới ra mắt, dù vẫn được trang bị đầy đủ các công nghệ tiên tiến như khe PCIe 4.0 16x hỗ trợ cả các card đồ hoạ hàng đầu hiện nay, hay giải pháp lưu trữ M.2 PCIe 4.0 4x siêu tốc đủ sức phục vụ bất cứ tựa game nào.
Thử nghiệm nhanh với tựa game Counter Strike 2.0, hệ thống cho tốc độ khung hình xấp xỉ 160fps ở thiết lập cao nhất và độ phân giải full HD 1080p, tụt xuống đôi chút còn khoảng 130fps ở các pha đấu súng gay cấn. Hay mức 110fps ở các cảnh thông thường và khoảng 95fps với các pha đấu súng trong tựa game PUBG. Với tốc độ cao ấn tượng, chắc chắn bạn sẽ có thể chiến đấu hết sức và dần nâng cấp kỹ năng của mình lên mà không sợ chất lượng phần cứng níu chân đằng sau.
Tổng kết
Với mức tổng “thiệt hại” cho hệ thống này chưa đến 20 triệu đồng, nhưng đã đủ sức để “chiến” tất cả các tựa game trên thị trường hiện nay. Đây hoàn toàn là mức đầu tư xứng đáng cho bạn khi bước chân vào bộ môn eSports đầy mê hoặc. Với những người muốn đầu tư dịch vụ iCafe, cấu hình này cũng vô cùng phù hợp cho các dàn máy phổ thông, thoả mãn đầy đủ mọi nhu cầu của người dùng game thủ trên thị trường hiện nay.