wowtech.vn wowtech.vn

©2021 wowtech.vn. All rights reserved

cpu đáng mua nhất của sinh viên có lựa chọn máy bàn trong năm mới

Trong thời gian gần đây, thị trường CPU máy tính để bàn có khá nhiều biến động về giá cả cũng như số lượng. Với việc khan hiếm hàng hóa, giá CPU của Intel tăng lên khá nhiều khiến cho người dùng khó khăn khi chọn sản phẩm cho phù hợp với giá tiền. Bên cạnh đó CPU của AMD lại có giá tốt hơn, sức mạnh xứng đồng tiền bát gạo. Vừa qua AMD đã cho ra mắt dòng sản phẩm phổ thông có tên gọi Athlon 200GE với nhân đồ họa tích hợp VEGA 3. Dòng sản phẩm này hướng tới nhóm người dùng có nhu cầu phổ biến hằng ngày như nhân viên văn phòng, sinh viên, học sinh. Vậy đối với một sinh viên đang còn đi học và chi phí hạn hẹp thì một cấu hình vừa phải sử dụng AMD Athlon 200GE có thể đáp ứng được các nhu cầu tìm hiểu, học tập hay sử dụng những ứng dụng đồ họa cơ bản hay không? Hãy xem tiếp bài review này nhé.



Ra mắt vào khoảng tháng 10/2018, Athlon 200GE tuy là dòng CPU phổ thông nhưng được AMD có phần ưu ái khi nhồi vào sản phẩm này 2 nhân 4 luồng xử lý cùng mức xung nhịp 3.2Ghz. Với xung nhịp 3.2Ghz thì Athlon 200GE hứa hẹn sẽ xử lý tốt những ứng dụng đòi hỏi mức xung nhịp cao. Bên cạnh đó sản phẩm còn được trang bị thêm 3 nhân xử lý đồ họa giúp xử lý hình ảnh hay những chi tiết đồ họa một cách tối ưu.



Đầu tiên mình sẽ review nhanh về hộp đựng sản phẩm và xem thử bên trong hộp sẽ kèm theo những gì.

I – Unbox
Khi cầm hộp sản phẩm trên tay thì mình thấy kích thước của Athlon 200GE khá nhỏ nhắn, xinh xắn. Nếu so với những hộp đựng sản phẩm Ryzen 3, 5, 7 thì nó nhỏ hơn rất nhiều. Ngoài ra màu sắc của hộp sử dụng màu trắng khác biệt hoàn toàn với tông màu cam đen mà AMD thường sử dụng cho các sản phẩm Ryzen. Mặt trước hộp là tên sản phẩm “ATHLON” nổi bật ở giữa, bên dưới có một dãy bạc với thông tin về nhân đồ họa tích hợp.



Mặt hông được thiết kế như thường lệ, có một ô cửa sổ nhỏ làm lộ sản phẩm ở bên trong.



Mặt sau là thông tin về sản phẩm và những phụ kiện kèm theo bên trong hộp được viết bằng nhiều thứ tiếng.



Hộp sản phẩm được niêm phong bằng một tem dán, bên trên tem được in những thông số cơ bản của sản phẩm.



Mở hộp ra chúng ta sẽ có CPU, tản nhiệt.



Mặt lưng CPU được khắc laser tên sản phẩm, thông số sản phẩm.



CPU sử dụng socket AM4 như những dòng Ryzen trước đó. Socket AM4 được AMD hỗ trợ đến năm 2020 nên người dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng trong khoảng thời gian này. Nếu có nhu cầu nâng cấp lên CPU cao hơn thì bạn có thể chọn trước 1 bo mạch chủ tầm trung để dễ dàng nâng cấp.

II – Hiệu năng
Cấu hình test:

CPU: AMD Athlon 200GE 3.2Ghz
Main: Asrock X470 Taichi Ultimate
Ram: Gskill DDR4 2x8GB Bus 2666
GPU: Radeon VEGA 3




CPU-Z:

Single Thread: 316.6
Multi Thread: 964.8



Cinebench:

Single Core: 123
Multi Core: 353
GPU: 35.66 FPS



3DMark:
Night Raid:

Điểm tổng: 4911
Điểm đồ họa: 5670



Time Spy:

Điểm tổng: 445
Điểm CPU: 1888
Điểm đồ họa: 393



Fire Strike:

Điểm tổng: 1325
Điểm đồ họa: 1437



PCMark 10:

Để test hiệu năng của hệ thống trong những công việc văn phòng, mở ứng dụng duyệt web, hình ảnh, thiết kế thì mình sẽ sử dụng phần mềm PCMark 10.

Thông số cấu hình:



Điểm tổng:
3136
_ App Start-up Score: 6623
_ Video Conferencing Score: 6672
_ Web Browsing Score: 6546
_ Spreadsheets Score (Excel): 6445
_ Writing Score (Word): 4454
_ Photo Editing Score: 3057
_ Rendering and Visualization Score: 1795
_ Video Editing Score: 2398



Nhiệt độ CPU trong suốt quá trình test cao nhất cũng chỉ loanh quanh mức 45 độ. Nhiệt độ rất tốt đối với những tác vụ văn phòng hàng ngày



Aida64:
Memory, cache test
:
Điểm số benchmark cho ra không tệ.



CPU Photoworx:

Phần benchmark này sẽ cho thấy khả năng xử lý hình ảnh của CPU. Ở phần benchmark này thật bất ngờ, điểm số là 14456 MPixel/s có phần nhỉnh hơn I7-3770K



CPU ZLib:

Phần benchmark này kết hợp CPU và ram để xử lý, nó cũng sử dụng đa nhân, đa luồng CPU để chấm điểm. Điểm số benchmark ở phần này là 148.1 MB/s, so với những CPU 4 nhân thì Athlon 200GE có một kết quả khá ổn.



CPU AES:

Sử dụng để đánh giá khả năng mà CPU mã hóa dữ liệu, nén, giải nén file. Bài test cũng test thử những tính năng như siêu phân luồng, đa nhân, đa luồng của CPU. Ở phần này thì Athlon 200GE đạt được 14146 MB/s, một điểm số cũng khá ấn tượng khi nó có thể sánh ngang với những CPU 4 nhân, 8 luồng của Intel.



CPU Hash:

Sử dụng thuật toán hàm băm SHA1 để đánh giá khả năng xử lý của CPU thông qua những tập lệnh MMX, MMX+/SSE, SSE2, SSSE3, AVX, AVX2, XOP, BMI, BMI2 và AVX-512. Với điểm số là 4776 MB/s vượt trên cả điểm số mà CPU 4 nhân hay 6 nhân đạt được.



FPU VP8:

Đo lường khả năng nén video sử dụng Google VP8 video Codec. Bài test mã hóa video với độ phân giải HD (1280x720) ở bitrate 8192kbps với chất lượng cao. Với CPU có chứa những tập lệnh MMX, SSE2, SSSE3 hay SSE4.1 sẽ giúp cho bài test có kết quả cao hơn. Do AMD không cắt giảm những tập lệnh trên Athlon 200GE nên ở bài test này có kết quả là 4097 điểm, khá cao so với mặt bằng chung.



V-ray Benchmark:

Do Athlon 200GE chỉ có 2 nhân 4 luồng nên khả năng render của nó cũng có phần bị hạn chế. Tuy nhiên mặt hạn chế này chỉ là thời gian render sẽ dài hơn so với những CPU có số nhân số luồng nhiều hơn, còn trong quá trình render CPU này vẫn hoàn thành được nhiệm vụ của nó với tổng thời gian là 6 phút 3 giây. Với sinh viên ở những năm đầu khi khối lượng công việc chưa quá lớn thì nó vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu.

Riêng phần render bằng GPU thì do chỉ có 3 nhân xử lý đồ họa nên Athlon đã tốn khá nhiều thời gian để render và có phần đuối. Với những ai muốn render bằng GPU thì có lẽ nên trang bị thêm một card đồ họa rời để có kết quả tốt hơn.



Corona Benchmark:

Với bài test này thì Athlon 200GE tốn 10 phút 39 giây để hoàn thành. Tốc độ xử lý là 759401 Rays/s.



Superposition Benchmark:

Mình để mức setting là 1080P Medium thì bị tràn VRAM, nhưng không sao, cứ test thử xem sao.



Kết quả bài test là 797 điểm, FPS trung bình khoảng 6 FPS. FPS thấp như vậy cũng dễ hiểu do dung lượng VRAM trong bài test vượt quá giới hạn.



Mình sẽ hạ setting xuống 720p Low và test thử. Kết quả lần này khá hơn rất nhiều với điểm số 2850, fps trung bình là 21.36 FPS.



Sau khi benchmark để mọi người có thể nắm được tổng quan những gì mà Athlon 200GE đã thể hiện. Tiếp theo mình sẽ mở vài phần mềm đồ họa của Adobe và thao tác trực tiếp thử.

Photoshop:

Với những người sử dụng Photoshop như một công cụ chỉnh sửa hình ảnh từ cuộc sống hằng ngày hay những buổi tiệc, những lần đi du lịch để có những album hình kỷ niệm ưng ý thì chúng ta hoàn toàn có thể thao tác mượt mà. Với những tính năng cơ bản như chỉnh màu, thêm chữ viết, làm sáng da, cắt ghép thì Athlon 200GE hoàn toàn có thể đáp ứng tốt. Trong quá trình xử lý, thay đổi màu sắc hình ảnh thì mình không gặp bất kỳ khó khăn nào.



Lightroom:

Với những photographer chuyên nghiệp hay nghiệp dư thì Lightroom là một trong những phần mềm chỉnh màu không thể thiếu. Nó giúp chúng ta chỉnh sửa màu sắc, gam màu cho hình ảnh một cách nhanh chóng. Ở đây mình mở thử vài tấm hình lên và lần lượt chỉnh sửa màu sắc từng tấm hình, quá trình xử lý khá mượt, không có nhiều hiện tượng delay.




Với những bạn có nhu cầu học tiếng Anh bằng Video hay những file PDF thì không thể làm khó Athlon 200GE được. Người dùng hoàn toàn thao tác một cách mượt mà trên Foxit Reader và xem Video trên Youtube.

Youtube Video:


PDF File:



III – Hiệu năng game

CSGO

Là tựa game FPS đình đám trong làng game, một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được nhiều game thủ đón nhận và được đánh giá rất tích cực. Để đạt được mức khung hình ổn định mình sẽ thiết lập cấu hình game ở mức Low cho tất cả cùng với độ phân giải Full HD.



Frames: 56782 - Time: 842397ms - Avg: 69.471 - Min: 36 - Max: 198


Với tựa game “quốc dân” này thì mức khung hình trung bình là 69.471 FPS. Trong quá trình chơi mình có thể trải nghiệm game một cách khá tốt. Những màn đấu súng kịch tính cũng được thể hiện trọn vẹn.



DotA 2
Một thể loại game MOBA 2 rất quen thuộc được đưa vào thi đấu thể thao điện tử trên toàn thế giới. Mình sẽ để Setting ở mức trung bình thấp cùng với độ phân giải Full HD.



Frames: 96960 - Time: 1241361ms - Avg: 73.386 - Min: 47 - Max: 99


Ở mức khung hình trung bình 73.386 thì trong những pha giao tranh quyết liệt cùng nhiều hiệu ứng chiêu thức cũng không phải là vấn đề lớn của cấu hình.




Liên Minh Huyền Thoại:
Cùng thể loại với DotA 2 nhưng nó phổ biến nhiều hơn ở Việt Nam và đối tượng chơi game này thường là những học sinh, sinh viên hay những người giải trí cơ bản có mức đầu tư chi phí thấp cho cấu hình. Ở game này thì mình sẽ để mức setting cao nhất cùng độ phân giải Full HD.



Frames: 73442 - Time: 698021ms - Avg: 86.814 - Min: 52 - Max: 106


Với thể loại game không thể thiếu trong bộ sưu tập này thì FPS trung bình là 86.814. Mức FPS như trên thì các gamer sẽ có những giây phút giải trí thật vui, những tình huống giao tranh cùng đồng đội thật đẹp mắt mà không sợ tình trạng giật, lag.



Fifa Online 4:
Là thể loại game đá banh khá phổ biến mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều phòng game. Với game này thì mức khung hình trong game chỉ có 30 FPS là tối đa và ở mức FPS này thì người chơi sẽ không cảm thấy hình ảnh bị giựt lag. Mình sẽ để setting ở mức vừa và độ phân giải Full HD



Frames: 24924 - Time: 437969ms - Avg: 56.908 - Min: 17 - Max: 62


Với mức khung hình trung bình là 56.908 thì suốt quá trình chơi mình không có bất kỳ trở ngại nào. Tuy nhiên có một chút khó khăn khi những pha ăn mừng với hình ảnh 3D sống động thì FPS giảm kha khá. Nhưng nhìn chung thì điều này không ảnh hưởng gì đến kết quả của game. Nếu muốn mọi thứ hoàn hảo thì bạn có thể sắm thêm card đồ họa rời để có trải nghiệm tốt nhất trong game này.



PUBG Mobile:
Là game bắn súng theo kiểu sống còn khá phổ biến được chơi nhiều trên các thiết bị di động. Nay với chiếc máy tính có cài giả lập thì bạn cũng có thể chơi game này trên PC một cách thoải mái nhất.



Xem phim 4K
Sau những giây phút làm việc căng thẳng thì xem phim là một trong các phương thức giải trí phổ biến. Vậy nếu xem phim với độ phân giải 4K thì Athlon có thể đáp ứng tốt nhu cầu này không? Trong bài test này mình mở một đoạn phim ngắn có độ phân giải 4K lên và trong quá trình hệ thống chạy video này thì thật bất ngờ. Athlon 200GE chơi đoạn phim này một cách mượt mà, mức khung hình luôn ổn định ở khoảng xấp xỉ 60 FPS.



Với những fan của sếp Tùng MTP thì không thể nào bỏ qua các MV hot cũng như cày view bằng cách mở nhiều tab Youtube thì 200GE cũng đáp ứng rất tốt.



IV – Kết Luận
Qua hàng loạt bài test hiệu năng của CPU bằng những ứng dụng đồ họa, chơi game, ứng dụng văn phòng thì phần nào người dùng cũng thấy được lợi ích mà CPU này mang lại. Đầu tiên là giá tiền, ở mức giá chỉ khoảng 1.300.000đ thì người dùng có thể tiết kiệm kha khá chi phí cho bộ PC của mình. Tiếp theo là những tác vụ, những ứng dụng mà một sinh viên thường sử dụng hằng ngày đều được CPU này đáp ứng một cách hiệu quả. Với những ưu điểm như trên thì AMD Athlon 200GE là một ứng cử viên sáng giá khiến cho các đối thủ cùng phân khúc phải dè chừng và người dùng cũng nên cân nhắc cho một chiếc PC phổ thông hiện nay.