wowtech.vn wowtech.vn

©2021 wowtech.vn. All rights reserved

AMD Ryzen 5 8600G – Giải pháp cho hệ thống PC nhỏ gọn?

APU có thể xem là một sản phẩm đặc biệt chỉ riêng của AMD với ý tưởng tích hợp cả CPU và GPU vào chung một đế chip, đem đến cho người dùng một giải pháp tổng hợp với chi phí đầu tư thấp nhưng vẫn vô cùng mạnh mẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu từ học tập, làm việc, cho đến giải trí nhẹ nhàng của người dùng phổ thông. Giờ đây, đứng trước sự bùng nổ của “kỷ nguyên AI”, AMD cũng đã tiến hành nâng cấp cho các sản phẩm APU của mình với NPU để bổ sung thêm khả năng xử lý tác vụ AI đơn giản, biến các mẫu APU Ryzen 8000G Series trở thành những sản phẩm vi xử lý đầu tiên tích hợp xử lý AI dành cho máy tính để bàn ra mắt thị trường.

Trong hai mẫu APU mới ra mắt, AMD Ryzen 5 8600G là lựa chọn hàng đầu cho người dùng phổ thông, nhất là những người cần một hệ thống nhỏ gọn, nhưng vẫn mạnh mẽ và đa năng.

AMD Ryzen 5 8600G – Sức mạnh trên mọi phương diện

Về mặt thông số, AMD Ryzen 5 8600G là một mẫu APU toàn diện với 6 nhân xử lý sở hữu kiến trúc Zen 4, hoạt động ở xung cơ bản 4.3GHz với mức xung nhịp được boost tối đa lên đến 5GHz. Mặc dù nếu so sánh với AMD Ryzen 5 7600x ra mắt trước đó, mẫu APU tầm trung của AMD có ít hơn 16MB bộ nhớ đệm L3, thế nhưng đây vẫn là mẫu CPU tầm trung vô cùng mạnh mẽ, đủ sức so sánh với các mẫu CPU tầm trung của “đội xanh” như mẫu Intel Core i5 13400F.

Thật vậy, khi thử nghiệm chấm điểm CPU Mark, AMD Ryzen 5 8600G chỉ thua Intel Core i5 13400F 1% số điểm tổng thể, trong khi sở hữu số lượng nhân xử lý ít hơn. Đó là chưa kể đến mức tiêu thụ điện năng của mẫu CPU này chỉ ở mức 65W, bằng một nửa so với đối thủ đến từ đội xanh, trở thành lựa chọn lý tưởng cho các hệ thống PC nhỏ gọn.

Với sức mạnh này, AMD Ryzen 5 8600G hoàn toàn đủ sức xử lý không chỉ các ứng dụng hàng ngày mà còn cho hầu hết các ứng dụng chuyên nghiệp phổ biến với tốc độ cao.

Không chỉ có thế, giải pháp đồ hoạ tích hợp AMD Radeon 760M còn sở hữu khả năng tăng tốc cho một số ứng dụng chuyên nghiệp sử dụng card đồ hoạ, như các ứng dụng biên tập phim - ảnh của Adobe, hay tăng tốc chuyển mã bằng các bộ mã H.265 hay HEVC (10bit) ngay từ trong phần cứng, đem đến một trải nghiệm làm việc và giải trí chất lượng cao.

Bên cạnh đó, nhờ được tích hợp công nghệ NPU thế hệ thứ 2 mà AMD Ryzen 5 8600G có khả năng xử lý các tác vụ AI cơ bản ngay trên máy. Chẳng hạn như bạn có thể sử dụng tính năng Image Creator được tích hợp trong ứng dụng Paint vô cùng quen thuộc để tạo ra những bản vẽ từ mô tả ý tưởng của mình. Tính năng này vô cùng hữu ích để minh hoạ cho bài viết, bài thuyết trình của bạn với những hình ảnh “không đụng hàng” và vô cùng đúng trọng tâm với tốc độ cao mà bạn không cần phải biết vẽ, hay mất thời gian tìm kiếm các hình ảnh có sẵn trên mạng. Từ đó  nâng cao năng suất và chất lượng trong học tập và làm việc của người dùng.

AMD Fluid Motion Frames 2 – Tăng cường sức mạnh chơi game

Với giải pháp đồ hoạ tích hợp  Radeon 760M, AMD Ryzen 5 8600G vốn dĩ chỉ phù hợp với các tựa game nhẹ nền đồ hoạ 2D, hay một số tựa game 3D chơi mạng như Counter Strike 2, League of Legends hay Valorant ở mức thiết lập tầm thấp đến tầm trung, thế nhưng với những tiến bộ công nghệ gần đây, đặc biệt là hai tính năng AMD FidelityFX Super Resolution (FSR) và AMD Fluid Motion Frames 2 (AFMF 2), mẫu APU này hoàn toàn có thể chơi được các tựa game nặng thuộc hàng AAA ở tốc độ vô cùng ấn tượng.

Chẳng hạn như với tựa game khá nặng là Assasin’s Creed Mirage, tính năng FSR mức Balance cũng chỉ giúp tựa game này hoạt động được với thiết lập đồ hoạ mức High và tắt xử lý Ray Tracing ở tốc độ xấp xỉ 40fps, trong khi đó, nếu mở thêm AFMF 2 thì bạn sẽ có thể chơi game với tốc độ lên đến 72fps, đủ “mượt” để có thể khám phá trọn vẹn thế giới trong game mà không gặp phải bất kỳ vấn đề nào về hiệu suất.

Hay như với tựa game Cyberpunk 2077, cả hai tính năng này cho phép game thủ chơi game ở tốc độ xấp xỉ 60fps với mức thiết lập High và Ray Tracing Off. Thậm chí tựa game Marvel’s Spider Man Remastered trên nền PC có thế giúp game thủ thưởng thức một siêu phẩm khá nặng ở mức tốc độ  khung hình 65fps ở mức thiết lập đồ hoạ Very High.

Tất nhiên là cả hai công nghệ hỗ trợ này đều sở hữu một số nhược điểm nhỏ, vẫn rất khó có thể so sánh với card đồ hoạ rời như không đủ khả năng xử lý hiệu ứng Ray Tracing chuyên biệt, hay độ trễ hệ thống cao hơn, không phù hợp cho các tựa game thể thao điện tử, thế nhưng với một giải pháp đồ hoạ tích hợp tầm trung thì đây đã là khả năng chơi game vô cùng ấn tượng, giúp bạn có thể trải nghiệm hầu hết các tựa game nặng trên thị trường hiện nay trên một hệ thống PC nhỏ gọn đa năng.

Lời kết

Sở hữu sức mạnh xử lý ấn tượng trong phân khúc tầm trung, khả năng chạy các ứng dụng AI ngay trên máy và sức mạnh xử lý đồ hoạ game ấn tượng nhờ vào các công nghệ hỗ trợ phần mềm, AMD Ryzen 5 8600G là lựa chọn hàng đầu cho người dùng cần một hệ máy PC nhỏ gọn đa năng, phục vụ đầy đủ các nhu cầu học tập, công việc và giải trí.